Thầy giáo khuyết tật: Nghị lực chiến thắng số phận | Trung tâm gia sư Sao Mai

Sao Mai Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Bị tật nguyền tay và chân từ nhỏ, anh Phùng Văn Trường ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã nỗ lực vượt qua khó khăn trong vận động, khổ luyện viết chữ đẹp bằng miệng. Đặc biệt hơn, anh còn được biết tới với công việc dạy học cho các em nhỏ tại địa phương. Nghị lực chiến thắng bệnh tật, chiến thắng số phận để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội của anh chính là tấm gương sáng để mỗi chúng ta suy ngẫm và học tập.


Từ nghị lực luyện viết chữ đẹp bằng miệng…

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cậu bé Trường khi mới 2 – 3 tuổi trông rất khôi ngô, khỏe mạnh, mọi người vẫn bảo giống “Liên Xô”. Thế nhưng, bất hạnh xảy đến khi các bạn đồng trang lứa đã biết đi hết, còn anh thì không: “Lúc đó gia đình mới biết tôi bị teo cơ. Đến năm 5 – 6 tuổi, bố mẹ cố chạy vạy đưa tôi ra bệnh viện 103 mổ hai chân. Kể từ đó, chiếc nạng gỗ làm bạn với tôi những ngày tới trường. Dù tay co quắp nhưng tôi vẫn cố gắng viết, cố gắng theo kịp bạn bè”.

Tưởng chừng những hy vọng đã mở ra đối với tương lai, thì đến năm học lớp 8, khi đôi chân yếu ớt không thể nâng đỡ nổi cả cơ thể đang tuổi phát triển, sức khỏe yếu dần đi, anh Trường đã không thể tiếp tục đến trường và dần trở nên bi quan với cuộc sống. Rất may, chiếc đài nhỏ và những chương trình phát thanh nói về những tấm gương người khuyết tật chiến thắng số phận, tiêu biểu như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký cuối cùng đã giúp anh vượt qua được tâm trạng mặc cảm, tự ti đó.

Từ đó, anh quyết tâm học viết chữ bằng miệng. Những chữ viết ban đầu quả là không dễ dàng. Vì phải cúi gằm người xuống mỗi khi viết nên rất nhanh mỏi cổ, mỏi lưng và “nhất là sau mỗi lần viết, mắt tôi nhìn mọi thứ đều thấy trắng xóa”. Không những vậy, làm thế nào để giữ và điều chỉnh được cây bút theo ý muốn bằng miệng? Đã nhiều lần câu hỏi này khiến anh cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi nghĩ về gia đình, nghĩ về tương lai, anh lại quyết tâm làm lại từ đầu.

Sau hơn 2 tháng khổ công luyện tập và liên tục rút kinh nghiệm, anh Trường đã biến những nét chữ nghuệch ngoạc trở nên thanh thoát và tuyệt đẹp. Khi kể lại quãng thời gian đáng nhớ này, đôi mắt anh ngấn lệ: “Có lẽ đó là chữ ông trời cho tôi”.

… đến tận tâm dạy “nét chữ, nết người”

Khi nhắc tới công việc dạy học của mình, anh Phùng Văn Trường nói đó là “cái duyên của tôi với các cháu”. Anh bắt đầu những lớp “dạy giúp” (dạy miễn phí) đầu tiên cách đây 4 năm. Anh nói, những tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên khi đó đã giúp anh vơi bớt “nỗi buồn, nỗi tủi” của số phận. Được trò chuyện, được chỉ bảo và được nghe tiếng cười nói vui vẻ của các cháu, anh như được tiếp thêm động lực để viết chữ đẹp hơn để làm mẫu cho các cháu viết. Về sau này, sau nhiều lần phụ huynh thuyết phục, anh mới nhận chút tiền học phí để phụ thêm cho cuộc sống gia đình.

Mỗi ngày, từ sáng tới chiều, cánh cửa nhà thầy Trường luôn rộng mở đón các em học sinh Tiểu học vào luyện chữ và làm toán. Vì các em ở các lớp khác nhau nên thường chia thành nhiều nhóm học vào các khung giờ khác nhau, nhóm học buổi sáng, nhóm học buổi chiều do thầy phân chia lịch cụ thể. Thời gian học thường kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng bởi thầy Trường cho rằng, hầu hết các cháu đang ở “tuổi ăn, tuổi chơi” rất hiếu động, không thể và cũng không nên bắt ép các cháu học được. Có lẽ, chính vì hiểu tâm lý của trẻ nên các buổi học của thầy và trò đều rất thoải mái, hiệu quả. Có em đang chăm chỉ nắn nót từng nét chữ, có em đang say sưa với những phép nhân hai chữ số trong khi thầy giáo có thể dạy em nhỏ tuổi nhất luyện đọc các bài đọc trong sách giáo khoa. Một buổi học ở lớp học của thầy Trường bao giờ cũng linh hoạt và sinh động như thế.

Người thầy viết chữ đẹp bằng miệng chia sẻ, chữ viết của một người phần nào nói lên tính cách của người đó giống như người xưa đã dạy “nét chữ nết người”. Anh mong muốn các em nhỏ thông qua việc luyện chữ có thể học được tính kiên trì, sự cẩn thận, gọn gàng, ngăn nắp. Mở những cuốn sách luyện chữ của các cháu nhỏ đặt ngay ngắn trên bàn, nhìn thấy những hàng chữ nét thanh nét đậm rất đẹp, chúng tôi hiểu rằng, công việc dạy học tận tâm của anh đang được đền đáp xứng đáng. Bởi lẽ, món quà quý giá nhất của mỗi người thầy là được chứng kiến sự tiến bộ từng ngày của học trò.

Em Đinh Hoàng Nguyên, học sinh lớp 4B, trường Tiểu học Nam Phương Tiến A đã tham gia lớp học thêm của thầy Trường được hơn 2 tháng cho biết: “Chúng em được học viết chữ đẹp và học các phép toán cơ bản. Chú tận tình chỉ bảo cho chúng em cho đến khi viết được và hiểu được. Nhờ học ở đây nên chúng em cảm thấy học tiến bộ hơn ở trên lớp”.

Anh Trường tâm sự, bản thân anh không nhận mình là thầy giáo: “Tôi biết sao dạy đó thôi. Tôi chỉ là người bác, người chú chỉ bảo các cháu thôi”. Tuy nhiên, với công việc anh đã và đang làm, hai tiếng “thầy giáo” là hoàn toàn xứng đáng. Giờ đây, điều anh mong muốn nhất là: “Tôi có sức khỏe tốt hơn để được cùng vợ nuôi con trai mới hơn 7 tháng tuổi khôn lớn và để tiếp tục việc rèn chữ cho các em cháu”.


Ngày qua ngày, người thầy đặc biệt Phùng Văn Trường vẫn tận tụy với công việc dạy học của mình giúp thêm nhiều em học sinh có những hàng chữ thẳng hàng, ngay ngắn và những phép toán nhanh và đúng. Bằng công việc lặng thầm đó, anh đã trở thành tấm gương người khuyết tật vượt lên số phận để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

(Nguồn: Giáo Dục Thủ Đô)

«
Bài sau
Bài đăng Mới hơn
»
Bài trước
Bài đăng Cũ hơn

Bình luận